Bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành

Bao Hiem Xa Hoi 1

Bảo hiểm xã hội dành cho người lao động với mục đích hạn chế rủi ro khi bị giảm sút thu nhập, ốm đau hoặc già yếu… Bạn cần nắm rõ các quy định để hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình nhằm đem lại lợi ích tối đa.

Bảo hiểm xã hội, bao gồm bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện, được pháp luật quy định khung pháp lý để điều chỉnh. Người lao động và người sử dụng lao động cần nắm rõ các quy định này để điều chỉnh hành vi của mình nhằm đạt được tối đa lợi ích, tránh bị tổn hại tới các quyền lợi chính đáng. Hãy tìm hiểu về các quy định hiện hành về bảo hiểm xã hội qua bài viết sau đây (Cập nhật 2022).

Bảo hiểm xã hội là gì?

Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Bảo hiểm xã hội bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nhìn một cách khái quát, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có ít quyền lợi hơn người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Chẳng hạn, người tham gia bảo hiểm bắt buộc được hưởng chế độ thai sản còn bảo hiểm xã hội tự nguyện thì không.

Bao Hiem Xa Hoi 1

Bảo hiểm xã hội bắt buộc

Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.

Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là người lao động là công dân Việt Nam. Cụ thể là các đối tượng sau:

– Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

– Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

– Cán bộ, công chức, viên chức;

– Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

– Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

– Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

– Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

– Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Ngoài ra, đối với người nước ngoài cũng có thể được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nếu làm việc tại Việt Nam theo Giấy phép lao động hoặc có chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động.

– Đối với người lao động thông thường:

Bao Hiem Xa Hoi 2

(*) Từ ngày 01/7/2022: Áp dụng tỷ lệ 0,5% hoặc 0,3 % (Nếu doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị được đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức thấp hơn và có quyết định chấp thuận của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).
(**) Từ 01/10/2022: Áp dụng tỷ lệ 1%.

– Đối với Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động được hưởng lương từ ngân sách nhà nước:

Bao Hiem Xa Hoi 3

(1) Nếu doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị được đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức thấp hơn và có quyết định chấp thuận của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì chỉ phải đóng 0,3%.

– Đối với lao động nước ngoài

Bao Hiem Xa Hoi 4

(2) Từ ngày 01/7/2022: Áp dụng tỷ lệ 0,5% hoặc 0,3 % (Nếu doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị được đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức thấp hơn và có quyết định chấp thuận của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).

Chế độ hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc

– Ốm đau;

– Thai sản;

– Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

– Hưu trí;

– Tử tuất.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây:

– Hằng tháng;

– 03 tháng một lần;

– 06 tháng một lần;

– 12 tháng một lần;

– Một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng so với quy định.

Các chế độ hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:

– Hưu trí;

– Tử tuất.

– Bảo hiểm hưu trí bổ sung do Chính phủ quy định.

Quyền và nghĩa vụ của người lao động

Quyền của người lao động

– Được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.

– Được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội.

– Nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, theo một trong các hình thức chi trả sau:

+ Trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền;

+ Thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng;

+ Thông qua người sử dụng lao động.

– Hưởng bảo hiểm y tế trong các trường hợp sau đây:

+ Đang hưởng lương hưu;

+ Trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi;

+ Nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng;

+ Đang hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.

– Được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45 của Luật Bảo hiểm xã hội và đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội; được thanh toán phí giám định y khoa nếu đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội.

– Ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.

– Định kỳ 06 tháng được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng bảo hiểm xã hội; định kỳ hằng năm được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận về việc đóng bảo hiểm xã hội; được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

– Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

Nghĩa vụ của người lao động

– Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.

– Thực hiện quy định về việc lập hồ sơ bảo hiểm xã hội.

– Bảo quản sổ bảo hiểm xã hội.

Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động

Quyền của người sử dụng lao động

– Từ chối thực hiện những yêu cầu không đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

– Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

Nghĩa vụ của người sử dụng lao động

– Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

– Đóng bảo hiểm xã hội và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định.

– Giới thiệu người lao động thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 45 và Điều 55 của Luật Bảo hiểm xã hội đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.

– Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động.

– Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

– Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cơ quan bảo hiểm xã hội.

– Định kỳ 06 tháng, niêm yết công khai thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.

-Hằng năm, niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp theo quy định tại khoản 7 Điều 23 của Luật Bảo hiểm xã hội.

Quyền và nghĩa vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội

Quyền của cơ quan bảo hiểm xã hội

– Tổ chức quản lý nhân sự, tài chính và tài sản theo quy định của pháp luật.

– Từ chối yêu cầu trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế không đúng quy định của pháp luật.

– Yêu cầu người sử dụng lao động xuất trình sổ quản lý lao động, bảng lương và thông tin, tài liệu khác liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

– Được cơ quan đăng ký doanh nghiệp, cơ quan cấp giấy chứng nhận hoạt động hoặc giấy phép hoạt động gửi bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận hoạt động hoặc quyết định thành lập để thực hiện đăng ký lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với doanh nghiệp, tổ chức thành lập mới.

– Định kỳ 06 tháng được cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương cung cấp thông tin về tình hình sử dụng và thay đổi lao động trên địa bàn.

– Được cơ quan thuế cung cấp mã số thuế của người sử dụng lao động; định kỳ hằng năm cung cấp thông tin về chi phí tiền lương để tính thuế của người sử dụng lao động.

– Kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội; thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

– Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

– Xử lý vi phạm pháp luật hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Nghĩa vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội

– Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

– Ban hành mẫu sổ, mẫu hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

– Tổ chức thực hiện thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.

– Cấp sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động; quản lý sổ bảo hiểm xã hội khi người lao động đã được giải quyết chế độ hưu trí hoặc tử tuất.

– Tiếp nhận hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tổ chức trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ, thuận tiện và đúng thời hạn.

– Hằng năm, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho từng người lao động; cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về việc đóng, quyền được hưởng chế độ, thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội khi người lao động, người sử dụng lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.

– Hằng năm, cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của người lao động để người sử dụng lao động niêm yết công khai.

– Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm xã hội; lưu trữ hồ sơ của người tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

– Quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện các biện pháp bảo toàn và tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quyết định của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội.

– Thực hiện công tác thống kê, kế toán tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

– Tập huấn và hướng dẫn nghiệp vụ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

– Định kỳ 06 tháng, báo cáo Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội và hằng năm, báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; báo cáo Bộ Y tế về tình hình thực hiện bảo hiểm y tế; báo cáo Bộ Tài chính về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Hằng năm, cơ quan bảo hiểm xã hội tại địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp về tình hình thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trong phạm vi địa phương quản lý.

– Công khai trên phương tiện truyền thông về người sử dụng lao động vi phạm nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

– Cung cấp tài liệu, thông tin liên quan theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện hợp tác quốc tế về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Trên đây là các nội dung quan trọng về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật hiện hành. Người lao động và người sử dụng lao động đều cần nắm rõ để bảo vệ quyền lợi của mình, tránh những hành vi không đúng gây thiệt hại tới quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng được pháp luật quy định.

Hỗ trợ tư vấn 24/7 

Lvn Tu Van Luat Viet Nam (18)