Xúc phạm danh dự nhân phẩm bị phạt như thế nào?

Xuc Pham Danh Du Nhan Pham Bi Phat Nhu The Nao

Hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm của hành vi và thiệt hại thực tế do hành vi gây ra mà người thực hiện hành vi có thể bị xử lý bằng các biện pháp hành chính, hình sự hoặc dân sự.

Thế nào là xúc phạm danh dự?

Xúc phạm danh dự nhân phẩm là hành vi dùng hành động, lời nói hoặc các phương tiện khác để làm tổn thương đến danh dự, nhân phẩm một người. Hành vi cụ thể có thể là khiêu khích, trêu ghẹo, xé quần áo, cắt tóc,… lời nói có thể là chửi bới, lăng mạ,… hoặc phương tiện khác như viết tin nhắn, thư từ, đăng bài trên mạng,…

Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định như sau: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Như vậy mọi người đều có quyền được pháp luật bảo hộ về thân thể, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Do đó, hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác sẽ bị pháp luật trừng trị. Mức độ hình phạt tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi.

Xuc Pham Danh Du Nhan Pham Bi Phat Nhu The Nao

Xúc phạm danh dự bị phạt như thế nào?

Phạt hành chính đối với hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm

Hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác có thể bị xử phạt hành chính theo quy định Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP như sau:

Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

Như vậy, nếu có hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác nhưng mức độ nghiêm trọng chưa đến mức xử lý hình sự thì người thực hiện hành vi có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 VNĐ – 300.000 VNĐ.

Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm

Hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác.Điều 155 Bộ luật Hình sự quy định về tội làm nhục người khác như sau:

Điều 155. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Mức phạt tù cao nhất đối với hành vi làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm người khác có thể lên đến 5 năm. Ngoài ra, Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trách nhiệm dân sự khi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác

Ngoài việc đề nghị cơ quan nhà nước bảo vệ bản thân khỏi hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm, nạn nhân còn có thể tự mình khởi kiện dân sự tại tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu chấm dứt hành vi và đòi bồi thường thiệt hại do hành vi gây ra.

Khi nào xúc phạm danh dự nhân phẩm bị phạt hình sự?

Hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thỏa mãn các yếu tố như sau:

Hành vi 

Người phạm tội có hành vi có tính chất xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm danh dự của người khác như có những lời nói sỉ nhục, miệt thị hạ thấp danh dự, xúc phạm nhân phẩm như chửi bới bằng những câu tục tĩu, nhạo báng,…. Hoặc có hành vi có tính chất bỉ ổi như nhổ nước bọt vào mặt,… Những hành vi này có thể được thực hiện công khai trước mặt người bị xúc phạm hoặc có thể qua người khác để đến người này. Để xác định được tính nghiêm trọng của hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác phải căn cứ vào thái độ nhận thức của người phạm tội, dư luận xã hội; hậu quả của bị hại phải gánh chịu trước sự lăng mạ, sỉ nhục đó, hậu quả tâm lý người đó phải gánh chịu.

Lỗi của người thực hiện hành vi

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội biết hành vi của mình là xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác nhưng đã thực hiện hành vi để đạt được mục đích đó.

Chủ thể thực hiện hành vi

Chủ thể của tội làm nhục người khác là người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên. Người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm về tội này vì không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 12 BLHS.

Hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác có thể bị pháp luật trừng trị thích đáng. Người bị xâm hại bởi hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm có thể yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện biện pháp hành chính, hình sự để bảo vệ bản thân hoặc tự mình đứng ra khởi kiện người thực hiện hành vi vi phạm.

Hỗ trợ tư vấn 24/7 

Lvn Tu Van Luat Viet Nam (18)